image banner
Lần đầu tiên ứng dụng nội soi trong cắt Amidan tại Lào Cai
Cắt Amidan là một trong những phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất trên thế giới và lịch sử loài người. Theo ước tính tại Hoa Kỳ hàng năm có khoảng 400.000 ca/năm. Ở Việt Nam phẫu thuật cắt Amidan cũng là một trong những phẫu thuật được thực hiện nhiều nhất chiếm 24,7% trong các phẫu thuật tai mũi họng hàng năm. Đây là một trong số rất ít phẫu thuật được thực hiện trước công nguyên mà vẫn còn được phổ biến đến ngày nay. Mặc dù là một phẫu thuật phổ biến nhưng cắt Amidan cũng có thể gây ra các biến chứng trong và sau mổ như chảy máu, đau hoặc nhiễm trùng hốc mổ, thậm chí tử vong.

Cho đến nay có rất nhiều phương pháp và kỹ thuật cắt amidan, song mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm nhất định. Trong đó có 3 phương pháp được sử dụng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam là: Cắt Amidan bằng dao điện, Cắt Amidan bằng Coblator, Cắt bằng dao Plasma.

Các phương pháp cắt Amidan đều có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những nhược điểm mà trong phẫu thuật cắt Amidan từ trước tới nay đều gặp phải và chưa cách nào khắc phục. Ví dụ như: (1) với phương pháp cắt bằng dao điện thường gây bỏng tổ chức nhiều hơn các loại dao thế hệ mới do nhiệt độ dao MonoPlar khá lớn; (2) cắt bằng Coblator hoặc cắt bằng Plasma thì chi phí đắt, đòi hỏi phẫu thuật viên phải giầu kinh nghiệm để điều khiển lưỡi dao đi đúng bình diện phẫu thuật. Nhiều hãng thiết bị y tế đã hướng tới làm giảm tối đa nhiệt độ đầu cắt để giảm thiểu tổn thương mô nhưng rất đắt tiền mà chưa khắc phục được khả năng quan sát bình diện giải phẫu để phẫu thuật viên không đi lạc bình diện phẫu thuật. Đặc biệt cho đến nay trên Thế giới và Việt Nam đều cắt amidan dựa trên  quan sát bằng mắt thường, nên có thể đi lạc bình diện phẫu thuật bỏ sót tổ chức amidan hoặc cắt vào các cơ quanh amidan là nguyên nhân cơ bản dẫn tới đau nhiều, chảy máu trong và sau phẫu thuật...

Vì vậy, mà thầy thuốc và bệnh nhân đều lo lắng trước khi thực hiện phẫu thuật. Do đó bất kể phẫu thuật theo phương pháp nào mà hạn chế được thấp nhất những hạn chế nêu trên đều rất đáng quý.

Với những trăn trở như vậy, Tác giả Vũ Quang Huy - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai cũng các cộng sự đã nghiên cứu và thực hiện thành công giải pháp “Ứng dụng nội soi và cải tiến các dụng cụ cắt Amidan tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai”.

Để thực hiện kỹ thuật cắt amidan theo phương pháp mới, Tác giả đã sử dụng nội soi optic 6mm 70để quan sát, thực hiện kiểm soát phẫu trường, kết hợp dùng dao điện kim dài gần gấp 3 lần so với dao mổ điện truyền thống. Đặc biệt trong giải pháp mới, Tác giả đã thiết kế mới hệ thống tưới Sorbitol 3% liên tục bằng cách dùng bộ dây truyền dịch; một đầu đặt thẳng từ can sorbitol, đầu kia có gắn kim bướm (trong đó kim bướm đã cắt bỏ phần đầu kim loại) để cố định vào dao điện kim bằng một vòng sonde silicon kích thước gần 1cm. Hệ thống tưới liên tục thành dòng với mục đích:

- Làm mát đầu cắt hạn chế bỏng nhiệt tại chỗ, do vậy giảm tổn thương bỏng mô và các tổ chức xung quanh.

- Tạo điều kiện cho phẫu thuật viên quan sát phẫu trường tốt hơn.

- Không sinh khói khi dao điện hoạt động, do đó không làm mờ Optic nội soi.

- Phẫu thuật viên dễ dàng quan sát trên màn hình để đi đúng bình diện giải phẫu không bỏ sót tổ chức bệnh lý cũng như cắt vào mô lành.

Nhờ ứng dụng nội soi và giảm nhiệt độ đầu cắt mà cả bệnh nhân và thầy thuốc đều yên tâm hơn khi thực hiện phẫu thuật. Bệnh nhân đỡ đau hơn, chảy máu rất ít trong và sau phẫu thuật, bong giả mạc, sớm lành vết thương và người bệnh có tâm lý tốt hơn trước, trong và sau phẫu thuật.

Phương pháp này không quá phức tạp, tuy nhiên cũng đòi hỏi cơ sở khám chữa bệnh một số yêu cầu nhất định như: đã thực hiện thành công kỹ thuật cắt amidan, có thiết bị nội soi hệ ngoại sản hoặc bộ nội soi khám tai mũi họng đều có thể sử dụng được và mỗi ca bệnh cần thêm khoảng 1.000 ml sorbitol 3%.

Về cơ bản, quy trình và phương pháp phẫu thuật bằng phương pháp mới cũng tương tự như những phương pháp cũ. Tuy nhiên, giải pháp đã được cải tiến về mặt kỹ thuật trong bước phẫu thuật như: thực hiện quan sát phẫu thuật trên màn hình nội soi thay cho bằng mắt thường nên phẫu thuật viên không bị lạc đường trong phẫu thuật, nhiều người có thể quan sát được; gắn một kim bướm (đã cắt bỏ phần kim loại) vào đầu dao cắt kim bằng một vòng sonde silicon kích thước gần 1cm, có tưới sorbitol liên tục thành dòng; đặt 01 sonde hút dịch liên tục qua đường mũi đảm bảo họng miệng luôn không bị ứ đọng dịch hoặc máu.

anh tin bai
Hình ảnh dụng cụ cải tiến
anh tin bai
Một ca phẫu thuật nội soi Amidan với dụng cụ cải tiến

Nhờ ứng dụng kỹ thuật nội soi cùng với những cải tiến, bổ sung dụng cụ phù hợp, thời gian thực hiện kỹ thuật cắt Amindan giờ đây đã rút ngắn xuống còn khoảng 13 phút; giảm đến 83,3% không chảy máu trong phẫu thuật và 97% không có chảy máu sau phẫu thuật, 66,7% bong giả mạc ở ngày thứ 7 và không chảy máu. Do tình trạng đau sau mổ của bệnh nhân giảm nên bệnh nhân không phải dùng thuốc giảm đau, tình trạng chảy máu sau mổ ít nên bệnh nhân không phải trải qua cuộc phẫu thuật lại để cầm máu hoặc sử dụng các loại thuốc cầm máu, thời gian bong giả mạc được rút ngắn bệnh nhân được ra viện sớm sẽ giảm chi phí y tế và thời gian, công sức, tiền bạc của những người thăm nuôi bệnh nhân.

Giải pháp đã được các chuyên gia, các hội đồng khoa học đánh giá cao và được Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Lào Cai quyết định trao giải Nhì tại Hội thi lần thứ V (2016 - 2017). Đây cũng là giải pháp đầu tiên của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ tỉnh Lào Cai tham gia và đoạt giải trong lĩnh vực Y dược của Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc tại Hội thi lần thứ XIV (2016 - 2017).

Tác giả bài viết: Bình Minh

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập