image banner
Bác Hồ và câu chuyện nhỏ về đức tính trung thực
Trung thực là một phẩm chất tốt đẹp mà con người cần hướng đến. Trung thực chính là tôn trọng sự thật, tôn trọng lẽ phải, chân lý, sống ngay thẳng, thật thà và dám dũng cảm nhận lỗi khi mình mắc phải khuyết điểm. Trong đời sống xã hội và công việc, nếu mỗi người đều sống trung thực thì sẽ giúp cho các mối quan hệ xã hội lành mạnh hơn, hòa đồng và cởi mở hơn. Những người sống trung thực, thật thà cũng sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người, được mọi người yêu mến, kính trọng. Với ý nghĩa đó, trong số này, bản tin Thông báo nội bộ xin giới thiệu mẩu chuyện nhỏ về cách răn dạy cán bộ của Bác Hồ về đức tính trung thực để cán bộ, đảng viên cùng suy ngẫm, học tập và noi theo.

Chuyện kể rằng khi còn ở chiến khu Việt Bắc, thấy Bác làm việc căng thẳng quá, Văn phòng đề nghị Bác có những buổi chiều đi dạo thư giãn để Bác nghĩ việc lớn. Có khi Bác tập bóng chuyền, có khi Bác tập võ, có khi Bác đi câu cá.

Một lần, Bác đi câu cá ở bờ suối cùng một chiến sĩ trẻ đi theo cùng ngồi câu cá với Bác để bảo vệ Bác. Khi về, Bác bảo người chiến sĩ trẻ mang giỏ cá câu được vào nhà bếp để các cô cấp dưỡng làm cơm cho cả cơ quan Bác, cháu cùng ăn. Vào nhà bếp, thấy mấy em gái xinh xắn, cậu chiến sĩ ta bắt đầu tán, quên hết lời Bác dặn và hứng lên nói “Anh tặng các em giỏ cá anh câu, Bác đi chơi chứ Bác có câu được con nào đâu”.

Chuyện này có thể cho qua, vì là thanh niên, nhất là đứng trước mặt những em gái xinh xắn cũng là dễ hiểu. Nhưng nếu không sửa thì thành lỗi về đạo đức, tức là nói sai sự thật, là không trung thực, cho nên Bác sửa. Bác sửa rất khéo. Bác biết chuyện người chiến sỹ nói với các cô cấp dưỡng, mà Bác coi như không biết.

Hôm sau, hai bác cháu vẫn đi câu cá bình thường như không có chuyện gì xảy ra, nhưng câu được con nào, Bác lặng lẽ cấu đuôi con đó đi để đánh dấu. Sau đó, Bác bảo hôm nay Bác hơi mệt nên về sớm một chút. Tưởng Bác mệt thật, người chiến sỹ đưa Bác về. Đến một bãi cỏ xanh bằng phẳng, Bác bảo nghỉ một lát cho đỡ mệt và Bác nói: “Hai bác cháu mình thử chia cá xem ai được nhiều hơn, con nào của Bác, Bác đánh dấu rồi đấy, còn lại chắc là của chú câu phải không”. Bác rất thấu hiểu tâm lý, ở đời có tật giật mình nên Bác hỏi rất hóm hỉnh. Vừa nói, Bác vừa nhìn mặt người chiến sỹ trẻ đang đỏ mặt vì xấu hổ. Người chiến sỹ trẻ hiểu ra ý Bác nhắc nhở nên rất thấm thía, tự nhủ về sau chớ có dại mồm, dại miệng như thế nữa. Bác sửa lỗi như thế, không nhiều lời, không đao to búa lớn mà thấm thía vào tận gan ruột.

Vì đức tính trung thực có ý nghĩa lớn lao trong việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên, cho mỗi con người, là yếu tố quan trọng trong xây dựng con người mới cho xã hội mới, nên sinh thời, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đức tính trung thực cho cán bộ, đảng viên, nhất là những người được sống và làm việc gần Bác.

Qua câu chuyện trên, cho thấy cách răn dạy cán bộ về đức tính “trung thực” của Bác Hồ rất nhẹ nhàng, tế nhị và vô cùng thấm thía. William Speare từng nói: “Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực”. Trong cuộc sống, người có đức tính trung thực luôn tôn trọng sự thật, chân lý và lẽ phải. Trung thực là một phẩm chất cao đẹp làm nên nhân cách con người. Trung thực mang đến giá trị lòng tin làm cho cuộc sống xã hội và các mối quan hệ trở nên bền vững. Sự trung thực, thẳng thắn luôn có kết quả tốt đẹp bởi nó đem lại lòng tin cho mọi người. Lúc làm sai – người trung thực luôn dũng cảm nhận trách nhiệm, biết sửa sai. Trung thực làm cho xã hội, cộng đồng luôn trong sạch, đẩy lùi được sự tha hoá đạo đức. Lòng trung thực mặc dù không đem lại cho ta sự giàu có và quyền lực, nhưng nó mang đến cho ta một xã hội công bằng và có sự tin tưởng giữa người với người. Ngược lại, gian dối và không trung thực sẽ biến con người ta thành những kẻ giả tạo, đạo đức con người dần dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Trong một xã hội hiện đại, sự tương tác giữa con người với nhau là thường xuyên, áp lực công việc và tác động của mặt trái xã hội có thể dẫn đến hình thành thói quen “nói dối” trong mỗi con người. Nếu thói quen này lặp đi lặp lại có tính chu kỳ nó sẽ dẫn trở thành tiền lệ xấu trong lời nói và hành động, nó làm tổn hại đến niềm tin của của con người với nhau. Vì vậy, mỗi người hãy tích cực rèn luyện đức tính “trung thực” để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt cho xã hội. Mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, xây dựng, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, nói và làm đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết là hãy tự trung thực với chính mình, với công việc và với mỗi người để đức tính trung thực trở thành nét đẹp văn hóa trong lời nói và hành động của mỗi cá nhân./.

 

Thành Long - BTG Tỉnh ủy

Nguồn: CTTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập