image banner
Kỹ thuật trồng rau trong nhà kính

 Trong những năm gần đây nền nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển, đặc biệt xu hướng sử dụng thực phẩm sạch ngày càng nhiều, vì thế phương pháp trồng rau thủy canh trong nhà kính ngày càng phổ biến nhằm tránh được mưa gió, sâu bệnh,… và kiểm soát được chất lượng, năng suất sản phẩm.

  • Khái niệm về thủy canh

Thủy canh là kỹ thuật trồng cây trong môi trường dung dịch dinh dưỡng, mà phổ biến hơn cả là trồng cây trong nước. Như vậy, thay vì dùng đất để trồng cây, người ta sẽ sử dụng nước làm môi trường chính.

Tuy cây được trồng trong môi trường nước, thế nhưng các nguyên tố, dưỡng chất cần thiết vẫn được cung cấp đầy đủ. Nhờ đó, cây sẽ phát triển mạnh khoẻ và cho độ ổn định cao. Quá trình quang hợp, hô hấp đều được diễn ra bình thường.

2. Ưu, nhược điểm của trồng rau thủy canh

2.1. Ưu điểm

- Đây là một mô hình trồng rau hiện đại giúp tiết kiệm diện tích đất một cách tối đa bạn có thể tận dụng không gian ở trên tầng thượng, hay ban công là có thể trồng được.

- Không tốn nhiều công chăm sóc vì bởi hệ thống đã được lắp đặt một cách tự động việc của bạn là chỉ cần kiểm tra nồng độ dinh dưỡng theo quy định nếu thấy nồng độ dinh dưỡng bị thiếu thì bạn có thể bổ sung thêm.

- Tiết kiệm công lao động như làm cỏ, vun xới.

- Hạn chế tối đa rau trồng bị sâu bệnh, vi sinh vật tấn công, tránh được những tác động từ yếu tố thời tiết.

- Năng suất rau trồng bằng phương pháp thủy canh đạt cao hơn 25% so với rau trồng bằng đất, cây phát triển đồng đều. Đảm bảo cung cấp nguồn rau an toàn cho sức khỏe gia đình.

2.2. Nhược điểm

- Chi phí đầu tư ban đầu khá cao.

- Yêu cầu về kỹ thuật khá cao đòi hỏi người trồng rau phải có những hiểu biết nhất định về dinh dưỡng thủy canh nếu như không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây hoặc cung cấp quá nhiều sẽ khiến cây không phát triển được hoặc bị chết.

- Cần đảm bảo rau trồng được hấp thụ trực tiếp ánh sáng mặt trời hàng ngày.

3. Lợi ích của trồng rau thủy canh

- Cung cấp rau sạch, sản lượng cao: Nhờ được trồng trong mô hình khép kín, tối ưu diện tích, quy trình trồng được kiểm soát kỹ lương nên rau thủy canh có chất lượng và an toàn hơn, cùng với đó năng suất của phương pháp này cũng cao hơn.

- Tiết kiệm chi phí: Dù mức chi phí đầu tư cho trồng thủy canh là khá lớn, tuy nhiên trồng thủy canh lại có những lợi ích như: Tiết kiệm nước, tiết kiệm dinh dưỡng... thế nên thủy canh là phương pháp tiết kiệm chi phí hơn so với các phương pháp khác.

- Thời gian thu hoạch nhanh: Chỉ với 20 - 30 ngày là lứa rau thủy canh có thể cho thu hoạch.

- Hạn chế rủi ro: Phương pháp này giúp hạn chế dịch bệnh, sâu bọ, từ đó giảm thiểu rủi ro cho người nông dân.

- Bảo vệ môi trường: Không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, các chất gây hại cho môi trường từ đó giúp môi trường được bảo vệ tốt hơn.

4. Các bước thực hiện trồng rau thủy canh

4.1. Chuẩn bị cây con

            - Xử lý giá thể: Trong phương pháp này người ta hay sử dụng vụn xơ dừa và xử lý sơ dừa trước khi đưa vào sử dụng

- Xử lý hạt giống trước khi gieo: Ngâm hạt 1-2 giờ trong nước nóng 45-500C hoặc ngâm trong dung dịch thuốc tím 0,1% hoặc dung dịch BenlatC 0,1% hoặc dung dịch Ridomil 0,1%; để ráo nước.

- Cho giá thể vào cốc nhựa, lắc nhẹ, tưới nước đủ ẩm rồi gieo hạt.

- Tưới ẩm 1-2 lần/ngày tuỳ thuộc vào thời tiết.

- Sau 4-6 ngày cây mọc, tiếp tục tưới ẩm 1-2 lần/ngày.

- Khi cây được 2-3 lá thật thì đưa cây lên hệ thống thuỷ canh

4.2. Chuyển cây lên giàn

- Chọn những cây khỏe mạnh, độ dài rễ 3-5 cm

- Cây con không có dấu hiệu bệnh sinh lý như vàng lá, đỏ lá hay cây còi cọc kém phát triển hoặc các dấu hiệu bị bệnh như héo lá, đen gốc, đen hay thối rễ…

- Chuyển cây lên giàn thủy canh nhưng chú ý không làm cho cây bị gãy, dập lá, hoặc đứt rễ.

4.3. Bổ sung dinh dưỡng cho hệ thống

- Cách pha dung dịch dinh dưỡng:

+ Hòa tan dinh dưỡng  và Canxi Nitrat trong 2 thùng riêng (để tránh hiện tượng kết tủa).

+ Sau đó cho vào bồn thu hồi (tỷ lệ 1:1)

+ Bơm lên thùng cấp dinh dưỡng.

+ Thông thường đối với bồn 2.000 lít thì pha 1kg Kristalon nâu và 1kg Calcinit.

+ Khi cây còn nhỏ EC khoảng 1-1,2 là phù hợp, cây lớn dộ EC từ 1,2 - 1,5 và pH từ 6 - 6,5 là tối ưu cho cây trồng phát triển.

Cách thức và thời gian cung cấp dinh dưỡng trong thời gian nuôi trồng như sau:

+ Lần đầu tiên: Pha dung dịch dinh dưỡng đảm bảo EC từ 1-1,2, pH từ 6-6,5 để cung cấp cho cây giai đoạn còn nhỏ.

+ Lần bổ sung dinh dưỡng thứ 2 được tiến hành sau lần đầu tiên khoảng 7 ngày, pha dinh dưỡng đảm bảo EC khoảng 1,1 - 1,3. Cách thức tiến hành bổ sung giống như lần đầu.

+ Lần bổ sung dinh dưỡng thứ 3 được tiến hành sau lần thứ 2 khoảng 7 ngày và dung dịch đảm bảo độ EC khoảng 1,2 - 1,5. Cách thức tiến hành bổ sung giống như lần đầu.

+ Lần bổ sung dinh dưỡng thứ 4 (lần cuối trước khi thu hoạch) được tiến hành sau lần thứ 3 khoảng 7 ngày và độ EC, pH tương tự như lần thứ 3.)

4.4. Bổ sung nước cho hệ thống

- Tùy thuộc vào thời tiết và độ phát triển của cây mà lượng nước trong hệ thống sẽ bị bay hơi, do vậy cứ 2 ngày cần quan sát và bổ sung thêm nước cho đầy thùng chứa vào buổi sáng để tránh bị cạn nước trong thùng chứa và trong hệ thống.

- Không sử dụng bất kỳ chế phẩm phân bón hay thuốc bảo vệ thực vật nào khác.

- Nguồn nước sử dụng để pha dung dịch dinh dưỡng và nước bổ sung cho hệ thống giàn rau trong suốt thời gian nuôi trồng là nước sạch không qua bất cứ quá trình xử lý thêm nào khác.

4.5. Chăm sóc

Trong quá trình trồng cần tiến hành tỉa lá già, sâu bệnh để nấm bệnh không phát triển, bắt sâu nếu thấy sâu hại xuất hiện, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Trong quá trình trồng cần tiến hành tỉa lá già, sâu bệnh để nấm bệnh không phát triển, bắt sâu nếu thấy sâu hại xuất hiện, không nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

4.7. Xử lý giỏ sau thu hoạch

- Giỏ rau sau khi thu hoạch được lấy xơ dừa ra khỏi giỏ

- Loại bỏ những rễ bám quanh giỏ

- Rửa sạch giỏ bằng nước

- Bảo quản giỏ ở chỗ mát

Lưu ý: Tuyệt đối không được để nguyên giỏ cây sau khi thu hoạch trong hệ thống sẽ làm hỏng dung dịch dinh dưỡng và đồng thời lây bệnh cho các cây còn lại trong hệ thống.

4.8. Vệ sinh hệ thống

Cần lưu ý làm vệ sinh toàn bộ hệ thống sau mỗi vụ trồng:

- Vệ sinh bên trong lẫn ngoài các ống nhựa, các ống nối, thùng cấp chứa và máy bơm

- Thay toàn bộ nước cũng như dinh dưỡng thì cây sẽ phát triển tốt hơn.

- Nếu để lâu cây sẽ phát triển chậm, đồng thời xơ dừa từ hệ thống sẽ tập trung vào thùng chứa quá nhiều và làm cho máy bơm bị tắc và dễ bị hỏng.

ThS Dương Thị Thảo Chinh

Trường Cao Đẳng Lào Cai

Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập