image banner
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5
Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 5, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm; triển khai phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các bộ, ngành và các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Lào Cai; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh.

anh tin bai

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Lào Cai.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 178 văn bản, các địa phương đã ban hành 2.054 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện tốt các nhiệm vụ cải cách hành chính trên từng lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 845 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 3.003 nhiệm vụ. Tính đến ngày 21/6, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 296 nhiệm vụ, đạt 35,03% kế hoạch; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 1.384 nhiệm vụ, đạt 46,09% kế hoạch đề ra.

Một số bộ, ngành, địa phương tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính có kết quả, đạt tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ cao so với kế hoạch trong 6 tháng đầu năm 2023, gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư (50%), Bộ Khoa học và Công nghệ (52,5%), Bộ Ngoại giao (66,66%), An Giang (54,68%), Bà Rịa - Vũng Tàu (54%), Bình Dương (51,8%), Cần Thơ (64,76%), Hà Nội (52,72%), Hải Dương (64,7%), Thành phố Hồ Chí Minh (61,36%), Quảng Ninh (76,66%), Hưng Yên (70,17%).

Về cải cách thể chế, 6 tháng đầu năm 2023, các bộ, cơ quan đã tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội: Thông qua 11 luật, nghị quyết; xem xét, cho ý kiến lần 2 đối với 1 dự án luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. Ngày 6/7, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 805 về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời gian trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Về rà soát, đơn giản hóa quy định thủ tục hành chính và các điều kiện kinh doanh, trong quý II/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 47 quy định kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Công an tại 10 văn bản quy phạm pháp luật. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 163 quy định kinh doanh; đã sửa đổi, hoàn thiện 2 văn bản để thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa 74 quy định kinh doanh.

Về xây dựng chính quyền địa phương, Chính phủ đã tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch triển khai nghị quyết nêu trên; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 10 nghị quyết về thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính của một số địa phương; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 557/CĐ-TTg về việc rà soát, hoàn thiện các quy định về thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030…

Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến nay đã có 31,16% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng; 66,48% hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa. Thông qua việc số hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đã giúp làm giàu dữ liệu của các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành và hình thành các kho dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành đã thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, thúc đẩy thực hiện với trọng tâm là đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Trong 6 tháng đầu năm, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; hơn 55,98 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ cổng; hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng.

anh tin bai

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương.

Tại Lào Cai, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số; xác định cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm trong năm, được đánh giá thường xuyên trong các phiên họp thường kỳ UBND tỉnh hằng tháng. Lào Cai tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh duy trì được thứ hạng tương đối cao. Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo trong 6 tháng cuối năm, các bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm, cố gắng nhiều hơn nữa trong thực hiện cải cách hành chính để đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân, huy động được sức mạnh cho người dân. Bài học kinh nghiệm được rút ra là phải bám sát vào thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, vận dụng sáng tạo để xử lý các vấn đề cụ thể; phân cấp, phân quyền mạnh hơn, đi đôi với đó là bố trí nguồn lực để thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật, kỷ cương; đề cao trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu, nhất là những người trực tiếp làm việc với người dân, doanh nghiệp; chú trọng công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách để người dân tiếp cận, hiểu rõ...

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên thực hiện việc rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, xem vướng mắc ở đâu, ai giải quyết, thời hạn bao lâu; rà soát lại thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, tập trung vào các thủ tục liên quan đến những vướng mắc hiện nay như nhà ở, tín dụng, thuế, đất đai, hải quan và 3 động lực tăng trưởng đang được ưu tiên. Bên cạnh đó, cần quan tâm đội ngũ cán bộ, xem ai chưa làm được, né tránh, đùn đẩy để xử lý; ai làm tốt, vì người dân, doanh nghiệp thì có các hình thức khen thưởng, động viên. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát về công vụ về thực hiện quy định, chính sách đã ban hành ở các cấp; phải xem những chính sách, những tháo gỡ, chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp chuyển biến đến đâu để rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, điều hành.

Nguồn: LCĐT

SD

 

 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập