Họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế
Sáng 2/8, Ban Chỉ đạo (BCĐ) xây dựng đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 22) đã tổ chức phiên họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng đề án.
Phiên họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Hồng Hà, Trần Lưu Quang; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo.
Dự phiên họp tại điểm cầu Lào Cai có đồng chí Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.
Các địa biểu dự họp tại điểm cầu Lào Cai.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững với các đối tác. Vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong khu vực, trên thế giới ngày càng cao.
Từ năm 2013 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với 7 nước lên đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện và 7 nước lên đối tác toàn diện, góp phần tạo ra mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 33 nước; chính thức tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình cũng như tham gia sâu rộng nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và liên kết thương mại thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), góp phần củng cố và tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở cho phát triển đất nước. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài nhưng Việt Nam vẫn nằm ở nhóm đầu các nước trong khu vực về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Tuy nhiên, hội nhập quốc tế trong 10 năm qua cũng còn những hạn chế, yếu kém như: Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế có mặt, có lúc chưa theo kịp diễn biến của tình hình, chưa lường hết những tác động bất lợi; kết hợp giữa quốc phòng, an ninh với đối ngoại trong hội nhập quốc tế có thời điểm thiếu hiệu quả, còn biểu hiện chủ quan…
Phiên họp được tổ chức trực tuyến đến các địa phương trong cả nước.
Tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tham luận, làm rõ hơn về kết quả đạt được trong thực hiện hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp, nhất là các giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế trong bối cảnh mới…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Kết quả đạt được trong triển khai Nghị quyết 22 trong 10 năm qua đã cho thấy đây là một định hướng chiến lược đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước ta, góp phần đưa đất nước đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, góp phần khẳng định rõ đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Nghị quyết số 22 có ý nghĩa định hướng chiến lược, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta; thống nhất nhận thức và hành động trong giai đoạn nước ta bắt đầu chuyển mạnh từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” toàn diện, sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ các ý kiến thảo luận của đại biểu trong phiên họp để làm báo cáo, tờ trình đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị quyết số 22; lấy đó làm căn cứ để xây dựng lộ trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan thực hiện trong thời gian tới; trong quá trình xây dựng có thể tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đảm bảo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đưa ra phải sát thực, khả thi, đạt hiệu quả cao.
Nguồn: LCĐT
SD