image banner
KẾT QUẢ NHIỆM VỤ KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TỈNH LÀO CAI ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT NHÂN GIỐNG, TRỒNG VÀ CHẾ BIẾN CÂY CÀ GAI LEO (SOLANUM PROCUMBENS) THEO CHUỖI GIÁ TRỊ SẢN PHẨM TẠI HUYỆN BẢO YÊN, TỈNH LÀO CAI
Thực hiện Quyết định số 3741/QĐ-UBND tỉnh Lào Cai ngày 21/10/2021 về việc phê duyệt và cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ năm 2021 với đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, trồng và chế biến cây Cà gai leo (Solanum procumbens) theo chuỗi giá trị sản phẩm tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai”. Nhiệm vụ do trường Cao đẳng Lào Cai thực hiện từ tháng 10 năm 2021 đến tháng 4 năm 2024.

TS. Nguyễn Thị Lan Anh,

Ths. Bùi Quang Trung,

Ths. Vũ Hồng Yến,

Ths. Dương Thảo Chinh,

KS. Hồ Việt Hùng, KS. Nguyễn Thị Hải Yến

Cây cà gai leo, từ lâu, trong dân gian đã được người dân thu hái và sử dụng như một loại dược liệu tuyệt vời có tác dụng với sức khỏe con người. Nhiều nghiên cứu dược học đã chỉ ra rằng trong cây cà gai leo có chứa lượng lớn nhóm chất Glycoalcaloit là thành phần chính có tác dụng chống viêm, giảm đau và ức chế xơ gan. Những nghiên cứu về cách gây trồng cây cà gai leo đã được một số trường Đại học thực hiện và đưa vào trồng ở một số tỉnh phía Bắc nước ta. Hiện nay, tại tỉnh Lào Cai, cây Cà gai leo được trồng ở vườn nhà theo hình thức quảng canh, quy mô trồng loại cây dược liệu này còn nhỏ lẻ, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch vẫn theo cách thủ công, năng suất, chất lượng còn hạn chế, hiệu quả kinh tế đem lại chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của vùng trong khi nhu cầu tiêu dùng của thị trường ngày càng cao, đặc biệt sử dụng Cà gai leo trong các loại thuốc chữa bệnh, và phối hợp với các loại dược liệu khác. Việc triển khai thực hiện xây dựng mô hình trồng cây cà gai leo theo chuỗi giá trị sản phẩm tại tỉnh lào cai sẽ góp phần làm phong phú thêm số loại dược liệu được nghiên cứu, gây trồng theo mục tiêu đến năm 2030, mở rộng diện tích và chủng loại dược liệu hàng hóa có ưu thế trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kết quả của đề tài là cơ sở để huyện Bảo Yên thêm sản phẩm dược liệu có giá trị vào chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP)”.

Đề tài nghiên cứu tập trung vào các nội dung: nghiên cứu quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây cà gai leo; xây dựng mô hình thâm canh dược liệu cà gai leo quy mô 1ha tại huyện Bảo Yên; nghiên cứu kỹ thuật thu hái, sơ chế và chế biến; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc và chế biến dược liệu cà gai leo theo chuỗi giá trị sản phẩm. Những kết quả đạt được cụ thể như sau:

1. Nghiên cứu quy trình kỹ thuật nhân giống, trồng và chăm sóc cây cà gai leo

* Với phương pháp gieo hạt. Kết quả nghiên cứu cho chúng tôi thấy:

- Ngâm hạt ở nhiệt độ 55oC,  thời gian ngâm hạt 6 giờ cho tỉ lệ nảy mầm cao nhất, cây giống cà gai leo sinh trưởng phát triển tốt nhất

- Gieo hạt giống Cà gai leo vào tháng 2 với độ che bóng 40% hoặc gieo vào tháng 3 với độ che bóng 60% là tốt nhất.

anh tin bai

Hình : nghiên cứu nhân giống cây cà gai leo bằng phương pháp gieo hạt

* Với phương pháp giâm hom: Giâm cành vào tháng 3 với độ che bóng 60% sẽ cho các chỉ tiêu sinh trưởng cao nhất và tỉ lệ xuất vườn cũng đạt cao nhất. Trước khi giâm cành, xử lý hom băng chất điều tiết sinh trưởng IAA nồng độ 1000ppm, hom có 2 mắt ngủ để lại 75% diện tích lá cho kết quả tốt nhất.

anh tin bai

Hình : nghiên cứu nhân giống cây cà gai leo bằng phương pháp giâm hom

* Nghiên cứu trồng, chăm sóc cây cà gai leo: kết quả nghiên cứu cho thấy trồng cây cà gai leo với khoảng cách 30 x 30cm trên nền phân bón 200kg N + 150kg P2O5 + 125kg K2O/ha đạt năng suất tính toán là cao nhất.

Cây cà gai leo là cây trồng có khả năng chống chịu tốt, ít sâu bệnh hại, một số sâu bệnh hại như bọ rùa 28 chấm, rệp sáp, héo xanh xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cây con sau trồng và sau tái sinh.

2. Xây dựng mô hình thâm canh dược liệu cà gai leo

Những kết quả nghiên cứu trên được sử dụng để áp dụng vào việc xây dựng mô hình thâm canh cây cà gai leo tại 2 xã của huyện Bảo Yên là Cam Cọn và Kim Sơn, tổng diện tích 1ha, với mục tiêu năng suất thực thu 20-25 tấn/ha. Mô hình trồng cây cà gai leo ở 2 xã này đều được ứng dụng một số tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng màng phủ nilon, hệ thống tưới nhỏ giọt...điều này sẽ góp phần tiết kiệm lượng nước tưới, sử dụng phân bón hiệu quả và giảm thiểu công chăm sóc.

 
anh tin bai

a

 
anh tin bai

b

Hình: Mô hình thâm canh cây cà gai leo

a) Xã Cam Cọn; b) Xã Kim Sơn

Cà gai leo là loài cây trồng một lần có thể thu hoạch trong thời gian 3-5 năm tùy điều kiện chăm sóc. Qua các lần thu hoạch, năng suất của mô hình đã đạt được như mục tiêu đề ra, doanh nghiệp thu mua toàn bộ số lượng cây cà gai leo tươi của mô hình. Định lượng hàm lượng hoạt chất Glycoalcaloit đạt mức cao, cao hơn tiêu chuẩn dược điển Việt Nam V.

3. Thu hái, sơ chế và chế biến dược liệu cà gai leo

* Thu hái, sơ chế: Cà gai leo tươi sau khi thu hoạch cần được phân loại, làm sạch, cắt thành từng đoạn khoảng 5cm, đưa vào phơi sấy đến khi độ ẩm đạt nhỏ hơn 12%. Sản phẩm này có thể đóng túi để tiêu thụ ngay. Toàn bộ sản phẩm khô phải được đóng bao nilon và đưa vào kho bảo quản ở điều kiện thích hợp.

* Chế biến: Cà gai leo có thể được chế biến thành nhiều dạng khác nhau như trà túi lọc, cao, viên hoàn…để nâng cao giá trị cây cà gai leo. Trong khuôn khổ của đề tai, dược liệu cà gai leo được chế biến dưới dạng trà túi lọc theo quy trình kỹ thuật các bước: Sao thơm; Nghiền mịn; Đóng túi lọc; Kiểm nghiệm chất lượng trà túi lọc cà gai leo theo tiêu chuẩn trà thảo mộc TCVN 2008 và Đóng hộp

anh tin bai

Hình: Sản phẩm hộp trà túi lọc cà gai leo của mô hình

4. Tập huấn, hội thảo khoa học

 
anh tin bai
 
anh tin bai

Hình: Tập huấn kỹ thuật trồng cây cà gai leo

Hình: Hội thảo khoa học

Nhằm mục đích tuyên truyền, chuyển giao những kết quả nghiên cứu đã đạt được, trường Cao đẳng Lào Cai đã tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ, các hộ nông dân trên địa bàn 2 xã Cam Cọn và Kim Sơn. Hội thảo khoa học về xây dựng mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo tại huyện Bảo Yên được tổ chức với sự tham gia của sở Khoa học và công nghệ tỉnh Lào Cai, trường cao đẳng Lào Cai, chính quyền xã, doanh nghiệp và người dân của 2 xã. Hội thảo khoa học thành công tốt đẹp là cơ sở để nhân rộng, phát triển mô hình dược liệu bền vững tại huyện Bảo Yên nói riêng và tỉnh Lào Cai nói chung.

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập