image banner
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ đối với Đảng bộ và đồng bào Lào Cai
Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều sự quan tâm, chăm lo và chỉ dẫn ân cần với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai. Bác đã sáu lần gửi thư cho cán bộ, nhân dân, chiến sỹ lực lượng vũ trang, thiếu nhi Sa Pa, công nhân mỏ Apatít, một lần khen ngợi đồng bào Bản Phố (Bắc Hà). Những bút tích cùng sáu bức thư, một bài báo của Bác viết cho nhân dân các dân tộc Lào Cai, đã trở thành tài sản vô giá, có ý nghĩa to lớn, mãi soi đường cho các thế hệ nhân dân các dân tộc Lào Cai trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương.

Cách đây tròn 64 năm, Đảng bộ và đồng bào Lào Cai vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát đoàn của Chính phủ lên thăm và làm việc. Chỉ trong hai ngày, 23-24/9/1958, Người đã đi đến nhiều vùng trong tỉnh, gặp gỡ, động viên công nhân Mỏ Apatit, thăm hỏi nhân dân xã Cam Đường, Hợp Thành, cán bộ và công nhân Nhà máy điện Lào Cai. Đặc biệt Người đã có buổi nói chuyện đầy thân tình với đại biểu, cán bộ, chiến sỹ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai tại sân Tỉnh ủy ngày 24/9/1958. Những lời dạy của Người trong các bức tư và bài nói chuyện với đồng bào Lào Cai đã, đang và sẽ mãi là ngọn đuốc soi đường cho Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai vươn tới mục tiêu phồn thịnh.

Trong Bài nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, ngày 24-8-1958, Bác căn dặn: “Các dân tộc to cũng như nhỏ đều là chủ đất nước, đều đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt”; “phải làm cho đồng bào no cơm, ấm áo… phải tăng gia sản xuất”; “Muốn giữ gìn trật tự, an ninh tốt, phải dựa vào nhân dân”; Đảng bộ tỉnh phải “ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc”; “Phải củng cố chi bộ đảng và đoàn thanh niên lao động… phát triển đến đâu, phải củng cố đến đấy”; “Cán bộ phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng của Đảng”; đồng bào và cán bộ Lào Cai “cố gắng thi đua làm cho nhân dân trong tỉnh ngày càng sung sướng”[1],… Những lời dặn dò ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ gửi gắm tình cảm mà còn là nềm tin, sự kỳ vọng kèm theo những chỉ dẫn quý giá cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lào Cai trong suốt hành trình 64 năm xây dựng và phát triển quê hương Lào Cai.

Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường 64 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã ra sức thi đua, phấn đấu, viết nên trang sử vẻ vang, anh dũng, bất khuất, đầy hy sinh, gian khổ, song cũng vô cùng vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn đoàn kết một lòng, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu, ra sức phấn đấu, không ngừng vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương.

Ngày 5/3/1947, mốc son quan trọng đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Lào Cai, từ đây, Nhân dân Lào Cai dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã phá tan âm mưu gây phỉ, lập “tỉnh Nùng”, “tỉnh Thái” tự trị của thực dân Pháp, giải phóng Lào Cai; đồng hành, chi viện sức người, sức của, góp phần làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm kháng chiến chống Mỹ (1955 - 1975), Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo Nhân dân các dân tộc Lào Cai vừa xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa chống chiến tranh phá hoại của địch, cùng miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Tỉnh Lào Cai tự hào đã có hàng nghìn người con ưu tú lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu, có nhiều người đã anh dũng hy sinh, góp phần mang đến chiến thắng quân xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm 1976 - 1991, Lào Cai thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng phòng tuyến biên giới, cùng với cả nước tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (2/1979), giữ vững chủ quyền quốc gia.

Năm 2022, mốc son ghi dấu chặng đường hơn 30 năm tái lập tỉnh, đổi mới và phát triển, Lào Cai luôn khắc ghi lời dạy của Người và từng bước hiện thực hóa những chỉ dẫn của Người vào điều kiện thực tiễn của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc.  Nhớ lại những năm đầu tách tỉnh, khó khăn bộn bề, mặt bằng dân trí thấp (60% trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; gần 55% hộ thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp… Lào Cai là một trong sáu tỉnh nghèo nhất của cả nước; thu ngân sách chỉ vỏn vẹn 36 tỷ đồng. Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, nhiệm vụ đặt ra là rất to lớn, trách nhiệm rất nặng nề, đòi hỏi toàn Đảng bộ phải đồng tâm quyết chí một lòng, hướng về mục tiêu chung. 

Khắc ghi lời Bác dạy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng đất nghèo khó, hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh Lào Cai đã vươn mình thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng tốp đầu trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Kinh tế bứt tốc mạnh so với ngày đầu tái lập tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân gần 10%/năm; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2021 đạt xấp xỉ 10.000 tỷ đồng (gấp 276 lần so với năm 1991), GRDP bình quân người dân đạt gần 83 triệu đồng (gấp 122 lần so với năm 1991), cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; giáo dục, y tế đều có bước tiến vượt bậc, năm 2000, Lào Cai đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù chữ; năm 2007 phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2013 phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sỹ/vạn dân. Tỉnh Lào Cai hiện có 9 bệnh viện tuyến huyện; 152 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 3 bệnh viện tuyến tỉnh và 1 bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 700 giường bệnh. Số hộ nghèo giảm từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 5,31% (năm 2021 theo tiêu chí cũ), khách du lịch đến Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người (2019), đời sống mọi mặt của Nhân dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới; 100% xã, thôn, bản có đường giao thông kiên cố và điện lưới quốc gia; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn xếp thứ hạng cao của cả nước[2]. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đạt những kết quả toàn diện.

Trong suốt tiến trình cách mạng, lúc khó khăn cũng như thuận lợi, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn một lòng sắt son theo Đảng, ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu, nhiệm vụ mà mỗi kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Các chương trình, đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh luôn dành 70% nguồn lực đầu tư cho cơ sở; quan tâm xây dựng và chăm lo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; xác định và phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế hàng hóa; xây dựng đường biên giới hữu nghị với mô hình “Tuần tra chung”; tạo cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”. Mô hình “Tuyên vận” ở tỉnh Lào Cai đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, nay được nhân ra diện rộng. Cùng với quan điểm chỉ đạo đúng đắn, nhất quán, phương pháp lãnh đạo khoa học, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng phát triển toàn diện, bền vững, có bước đi thích hợp; xây dựng các chương trình, đề án thiết thực để tập trung chỉ đạo; mỗi giai đoạn lại có những đột phá khác nhau và dành nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực phát triển. Kết hợp hài hòa giữa khai thác nguồn nội lực với thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực để phát triển nhanh và bền vững.

Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng; Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Độc lập hạng Nhất; nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực Lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động. Có được những thành tựu nêu trên, Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai luôn ghi lòng tạc dạ lời căn dặn của Bác “thi đua làm cho tỉnh nhà ngày một phồn thịnh và sung sướng”, “làm cho đồng bào cơm no, ấm áo hơn nữa”. Các thế hệ cán bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai không thể nào quên những bức thư chan chứa ân tình, sự động viên, khích lệ quý báu cùng những lời dặn dò ân cần, sâu sắc, thiết thực mà Bác Hồ đã dành cho đồng bào, chiến sỹ nơi biên cương của Tổ quốc. Trong hơn sáu thập niên qua, lúc thuận lợi, thành công vùng như lúc khó khăn, vấp váp, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc Lào Cai luôn cảm nhận những lời căn dặn và chỉ bảo của Người ở bên mình, luôn chỉ bảo, dìu dắt và dẫn đường chỉ lối cho Đảng bộ và Nhân dân Lào Cai bước lên phía trước.

Năm 2022 đánh dấu chặng đường hơn 30 năm tái lập tỉnh, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai phát triển của tỉnh nhà, bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới, với tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp, 4 khâu đột phá, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện di nguyện của Bác Hồ “Làm cho nhân dân tỉnh nhà ngày càng phồn thịnh và sung sướng”, trở thành cực tăng trưởng, trung tâm kết nối vùng của cả nước, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước/.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 521 - 527

[2] Tỉnh ủy Lào Cai: 30 năm - Lào Cai sáng tạo, Nhà xuất bản Lao động, tr 472-473

Thành Long - BTG Tỉnh ủy

Nguồn: CTTĐT Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lào Cai 

 

 

Tin mới
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập